Phương Pháp Phát Triển Tư Duy cho trẻ em
Tư duy logic là yếu tố nền tảng cho việc phát triển khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Phần lớn các bậc làm cha làm mẹ đều có suy nghĩ rằng, để trẻ trưởng thành và phát triển một cách tự nhiên, chỉ chăm sóc trẻ qua bữa ăn, giấc ngủ, đôi khi trò chuyện và bảo ban trẻ, khi trẻ lớn một chút thì đưa trẻ đến trường để thầy cô dạy dỗ là đủ.
Tuy nhiên, trí não của trẻ tăng lên theo độ tuổi. Theo bản năng, trẻ thích tìm tòi và tò mò muốn biết về mọi thứ, cho nên cha mẹ cần dạy cho trẻ những điều đó.
Khi 1 tuổi, trẻ cần học những kiến thức cơ bản về cuộc sống xung quanh, về những người thân trong gia đình. Nhưng khi đến 3 tuổi, trẻ lại cần có những lời giải thích về những kiến thức đó. Ba năm đầu đời là ba năm phát triển lớn của trẻ trong mọi lĩnh vực. Ở tuổi lên 3, não trẻ phát triển một cách đáng kể, có sự liên kết hàng tỷ tỷ các tế bào, các kết nối này ảnh hưởng đến học vấn của trẻ sau này.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng 50% khả năng học vấn của trẻ hình thành vào tuổi lên 5 và 80% vào tuổi lên 8. Đây là thời kỳ não bộ có số kết nối gấp đôi số lần kết nối của não người lớn. Những trải nghiệm trong 8 năm đầu đời có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến khả năng phát triển não bộ của một người.
Nếu trẻ được phát triển đúng cách, trẻ sẽ có được năng lực tư duy và học tập tốt hơn rất nhiều trong tương lai. Một trong những phương pháp quan trọng giúp trẻ có tư duy tốt là đặt câu hỏi cho trẻ.
Nhà tâm lý học Benjamin Bloom của Mỹ đã tìm hiểu tính cách, đặc tính của trẻ và phát triển một hệ thống phân nhóm Bloom’s Taxonomy theo 6 mức độ dưới đây:
Nền tảng đầu tiên chính là “GHI NHỚ” thông tin.Trẻ bắt đầu biết quan sát và nhớ lại được các thông tin như ngày tháng, nơi chốn, sự kiện, các ý chính của một chủ đề nào đó. Hãy hỏi trẻ các câu hỏi như: bao nhiêu, khi nào, ở đâu, hãy kể, chỉ ra,… “Con hãy chỉ ra đâu là màu xanh của bút chì?”, “Con có bao nhiêu cái kẹo?”, “Con thích chơi chung với bạn nào nhất?”… Các bậc cha mẹ hãy nhớ là không nên giúp con trả lời các câu hỏi mà hãy để con trẻ tự suy nghĩ và trả lời để kiểm tra khả năng ghi nhớ của trẻ. Đồng thời biết được những người có ảnh hưởng đến tính cách trẻ trong cuộc sống, cả về mặt tích cực hay tiêu cực.
Khi trẻ nhận biết tốt hơn, chúng sẽ HIỂU được các khái niệm và nguyên tắc. Nghĩa là trẻ nắm bắt được ý nghĩa; biết diễn giải, so sánh, đối chiếu và biết sắp xếp, suy luận. Cha mẹ hãy hỏi con các câu hỏi như hãy miêu tả, giải thích, ước lượng, dự đoán, phân biệt, lấy ví dụ,… để thúc đẩy trẻ diễn giải và suy luận. Ví dụ như: “Nếu chỉ có 5 từ để mô tả bản thân, con sẽ chọn những từ nào?”,“Con hãy phân biệt đâu là rau muống, đâu là rau cải?”, “Sau này lớn lên, con muốn con trở thành ai, trở thành người như thế nào?”… Để rèn luyện và phát huy kỹ năng này, cha mẹ có thể mua các sách dạy đọc hiểu hoặc trò chuyện với con trẻ để giúp trẻ khám phá thế giới quan của riêng chúng và hướng chúng đến những điều cha mẹ dạy bảo (ngoan ngoãn, tự lập, nhận thức được điều nào đúng, điều nào sai,…)
ÁP DỤNG là lựa chọn, chuyển đổi và áp dụng những điều trẻ đã biết vào một ngữ cảnh mới để giải quyết một vấn đề hay để làm một việc gì đó. Giai đoạn này trẻ đã có hình thức rèn luyện kỹ năng nhất định ở nhà trường, có khả năng giải các bài toán, áp dụng phép cộng trừ nhân chia. Cha mẹ hãy hỏi con về minh họa, chứng minh, tìm ra, thử nghiệm,… để khuyến khích trẻ áp dụng kiến thức đã biết vào những tình huống cụ thể và mới lạ.
Ví dụ: “Con hãy cho bố mẹ biết làm sao để có được một phương pháp học tập tốt? Tại sao?”, “Con đã biết hướng dẫn ai đó làm điều gì chưa?”Những câu hỏi này làm phong phú tư tưởng của con trẻ. Trẻ sẽ nhận ra rằng cuộc sống này là của tất cả mọi người và những gì mọi người cần làm chính là giúp đỡ lẫn nhau. Câu hỏi đặt ra sẽ giúp chúng cảm thấy được trao quyền, hình thành sự tự tin và quý trọng giá trị bản thân, cũng như khuyến khích tinh thần chúng học tập tốt hơn và giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn.
Khi trẻ có khả năng PHÂN TÍCH, cha mẹ hãy hỏi con về quan điểm, nhận thức sự kiện; bảo con chỉ ra động cơ hay nguyên nhân của một nhân vật, sự việc trong một câu chuyện trong sách hay ngoài đời mà con biết. Bên cạnh đó, khuyến khích con thực hiện một cuộc phỏng vấn hay khảo sát hoặc đóng vai một nhân vật trong một tình huống thực nào đó. Ví dụ: “Trong tất cả những điều con được học, con nghĩ điều gì sẽ hữu ích cho con khi trưởng thành?”, “Con đã học được gì từ những điều tuyệt vời hay tồi tệ nhất đã xảy ra với con?”… Những câu hỏi mang tính phân tích này còn giúp trẻ nhận ra thế giới muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng nhằm chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống sau này. Con đường tương lai đều có sự chọn lựa. Cha mẹ cần định hướng cho con rằng, dù bất kể điều gì xảy ra là tốt hay xấu thì hãy luôn suy nghĩ tích cực và hoàn thiện bản thân.
Đề nghị con đưa ra và bảo vệ ý kiến về một chủ đề nào đó chính là lúc trẻ có tư duy ĐÁNH GIÁ vấn đề. “Con hãy đánh giá hành động của cô Tấm trong câu chuyện Tấm Cám”, “Con nghĩ cuộc sống của con sẽ thế nào trong tương lai nếu con không chăm chỉ học hành?“. Lúc này trẻ cần cha mẹ kèm cặp, chỉ bảo các hành xử đúng đắn. Hãy cho con đọc những cuốn sách về chuẩn mực đạo đức, hành lễ, phép tắc hay những tình huống trong cuộc sống, giải thích cho chúng hiểu giá trị sống thật sự, định hướng tương lai và kế hoạch cho bản thân chúng.
Cuối cùng là SÁNG TẠO. Con trẻ đủ lớn để đưa ra ý tưởng mới dựa vào vài thông tin cũ đã có. Cha mẹ có thể yêu cầu con thiết kế, trình bày ý tưởng, phát minh ra một vật dụng mơ ước hoặc làm một bản kế hoạch… “Trong tất cả những điều con được học, con nghĩ điều gì sẽ hữu ích cho con khi trưởng thành?”,“Con nghĩ cuộc sống của con sẽ thế nào trong tương lai?”, “Nếu con có quyền thay đổi thế giới này thì con muốn thay đổi như thế nào?”… Những câu hỏi này giúp trẻ bắt đầu sống có mục đích. Chúng hoàn toàn xác định được tương lai không phải hôm nay, mỗi ngày đều có cơ hội thay đổi và hoàn thiện bản thân, trân trọng những thứ đang có, chú tâm hơn trong việc học hành, suy nghĩ về tương lai và lên kế hoạch cho bản thân. Điều này cũng sẽ giúp cho các bậc làm cha mẹ hiểu rõ hơn ước mơ của con mình.
Một khi cha mẹ định hướng cho trẻ ngay từ bé, giúp trẻ phát triển tư duy trí tuệ, thì trẻ sẽ dễ dàng ứng phó mọi tình huống trong tương lai, không gặp khó khăn khi va chạm hay tương tác với xã hội và người khác. Phương châm sống của chúng sẽ hình thành với mục đích tích cực, luôn tự điều chỉnh và kỷ luật bản thân để làm sao trở thành một công dân tốt cho xã hội.